Khối C Gồm Những Ngành Nào ? Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến ngày thi trung học phổ thông quốc gia và thi vào lớp 10. Vấn đề chọn khối thi, chọn ngành và chọn trường luôn được các sĩ tử đặt lên hàng đầu. Cũng giống như các khối khác, khối C hiện nay được rất nhiều người lựa chọn theo học với những ngành nghề đa dạng và cơ hội xin việc cũng rất rộng mở. Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc thi và theo học khối C như khối C gồm những môn nào, ngành nào?. Các trường đại học khối C, ngành nào khối C dễ xin việc?…
Contents
I. KHỐI C GỒM NHỮNG NGÀNH NÀO?
Khối C tuy là khối ít có ngành học nhất so với các khối khác nhưng vẫn rất đa dạng, có thể đáp ứng gần như đầy đủ nguyện vọng học các ngành xã hội của các sĩ tử. Khối C gồm những ngành phổ biến sau đây:
1. Sư phạm xã hội: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân,…
– Các ngành sư phạm từ trước đến nay điểm đầu vào thường cao và có những yêu cầu khắt khe đối với các thí sinh ứng tuyển. Để thi vào ngành sư phạm xã hội, yêu cầu đầu tiên là các sĩ tử phải nắm chắc các kiến thức về khối C và đặc biệt chú trọng đến môn mà mình ứng tuyển. Ví dụ thí sinh muốn ứng tuyển ngành sư phạm lịch sử ngoài yêu cầu phải có những hiểu biết chung về các môn ngữ văn, địa lý thì cần đặc biệt chú trọng đến môn lịch sử.
– Sinh viên học các ngành sư phạm xã hội được cung cấp các kiến thức đầy đủ, chuyên sâu về lĩnh vực mà mình theo học. Bên cạnh đó còn được rèn luyện kỹ năng giảng dạy, tác phong chuẩn mực, nắm bắt tâm lý học sinh để có thể tự hành nghề sau này.
Xem thêm: Học lập trình ở đâu tốt nhất ?
2. Luật
– Cử nhân luật được đào tạo đa dạng các chuyên ngành: luật hình sự, luật dân sự, luật thương mại, luật quốc tế, luật hành chính, luật kinh doanh,…
– Học luật ra trường có thể trở thành công chức trong các cơ quan nhà nước, các chuyên gia về luật trong các doanh nghiệp, giảng viên ngành luật,…
3. Chính trị học
– Sinh viên ngành chính trị học được đào tạo về phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống tri thức nền tảng của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là các lĩnh vực gần với Chính trị học.
– Sinh viên sau khi được đào tạo phải có khả năng vận dụng lý luận, phương pháp và các kỹ năng nghề nghiệp của ngành Chính trị học trong các lĩnh vực hoạt động có liên quan của đời sống xã hội.
– Sau khi ra trường, cử nhân Chính trị học có thể làm công tác tư vấn, tham mưu trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội; làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan lý luận chính trị; nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học trong các trường đại học, cao đẳng,…
4. Tâm lý học
– Sinh viên được cung cấp những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về tâm lý người; những kỹ năng thực hành tâm lý phục vụ cho việc ứng dụng tâm lý học vào cuộc sống.
– Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm trở thành những chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành tâm lý học ở các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục,…
5. Công tác xã hội
– Cử nhân ngành công tác xã hội được đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản về ngành học nhằm mục đích giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ của con người; giải quyết được các vấn đề mới xuất hiện và nảy sinh trong đời sống xã hội thường ngày. Giúp đỡ các cá nhân, các nhóm và cộng đồng chịu thiệt thòi trong xã hội tự vươn lên giải quyết những khó khăn, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của chính mình, góp phần tạo nên một xã hội tiến bộ, văn minh.
– Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của một sinh viên Công tác xã hội đó là làm việc tại các trường đại học, cao đẳng có giảng dạy và đào tạo ngành Công tác xã hội, Bên cạnh đó còn có thể làm việc tại các cơ sở, tổ chức thuộc lĩnh vực an sinh xã hội (lao động xã hội, an sinh trẻ em, và gia đình …), các lĩnh vực có liên quan như giáo dục, y tế, pháp luật, văn hoá, truyền thông,…
6. Báo chí truyền thông
– Sinh viên ngành báo chí được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tác nghiệp trong nhiều loại hình báo chí như viết tin bài cho báo in, báo điện tử; xây dựng và thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình.
– Cơ hội việc làm của ngành báo chí rất rộng mở. Sinh viên ra trường có thể trở thành phóng viên, biên tập viên, MC của các cơ quan báo chí; nhân viên truyền thông của trong các tổ chức kinh tế – xã hội; nghiên cứu và giảng dạy ở các cơ sở đào tạo ngành báo chí.
7. Quản lý nhà nước
– Đây là ngành học về những thủ tục hành chính nhà nước, nghiên cứu một cách tổng quát nhất về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, về tư tưởng của Nhà nước trong các hoạt động chính trị – xã hội.
– Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý nhà nước có thể đảm nhiệm công việc ở vị trí quản lý, chuyên viên hành chính các cơ quan thuộc khu vực công và khu vực tư; làm công tác giảng dạy về Khoa học Hành chính, khoa học Quản lý tại các cơ sở giáo dục
8. Triết học
– Sinh viên ngành triết học được đào tạo bài bản về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu về những vấn đề cơ bản của con người, thế giới quan, sự tồn tại, quy luật, giá trị, ý thức,…
– Cử nhân Triết học có thể làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy các khoa học triết học, chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; cố vấn về tôn giáo, chính trị cho Đảng, Nhà nước về đường lối phát triển đất nước
Xem thêm: Vốn chủ sở hữu là gì ?
9. Du lịch
– Cử nhân ngành du lịch được trang bị những kiến thức cơ bản và hệ thống về lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam và thế giới; kiến thức chung về du lịch và kinh doanh du lịch; được đào tạo những kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.
– Cử nhân sau khi ra trường có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch cho các tổ chức, doanh nghiệp; giảng dạy chuyên ngành du lịch ở các cơ sở giáo dục.
10. Quản lý văn hóa
– Ngành quản lý văn hóa chuyên đào tạo cho sinh viên những kiến thức cơ bản về văn hóa, nhằm mục đích quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật của nhà nước và ngoài nhà nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế.
– Sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý văn hóa sau khi ra trường có thể công tác tại các tổ chức văn hóa nghệ thuật nhà nước quản lý, các tổ chức về văn hoá nghệ thuật tại cơ quan, doanh nghiệp; giảng dạy chuyên ngành quản lý văn hóa tại các trường cao đẳng, Đại học, trung cấp nghề,…
Ngoài các ngành phổ biến trên, khối C còn có các ngành học khác như ngôn ngữ học, Việt Nam học, văn hóa học, công an, quân đội, khoa học quản lý, văn học, thông tin học, lưu trữ học, quốc tế học, quan hệ công chúng,…
II. KHỐI C GỒM NHỮNG MÔN NÀO?
1. Các môn khối C truyền thống
– Khối C truyền thống (C00) là khối xã hội bao gồm 3 môn: Ngữ văn, lịch sử và địa lý. C00 là khối phổ biến và có nhiều người theo học nhất trong các tổ hợp môn khối C.
– Trước năm 2017, 3 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý được thi bằng hình thức tự luận. Từ năm 2017 đến bây giờ, 2 môn lịch sử và địa lý thi trắc nghiệm, môn ngữ văn vẫn giữ hình thức thi cũ là tự luận.
2. Các môn khối C mở rộng
– Bên cạnh tổ hợp môn C00 truyền thống, trong mấy năm trở lại đây, Bộ giáo dục và đào tạo đã tạo ra các tổ hợp môn khối C khác nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập của học sinh hiện nay.
– Từ 9 môn: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục công dân, khoa học xã hội tạo thành 20 tổ hợp môn khối C như sau:
C00: ngữ văn,lịch sử, địa lý
C01: ngữ văn, toán, vật lí
C02: ngữ văn, toán, hóa học
C03: ngữ văn, toán, lịch sử
C04: ngữ văn, toán, địa lý
C05: ngữ văn, vật lý, hóa học
C06: ngữ văn, vật lý, sinh học
C07: ngữ văn, vật lý, lịch sử
C08: ngữ văn, hóa học, sinh học
C09: ngữ văn, vật lý, địa lý
C10: ngữ văn, hóa học, lịch sử
C11: ngữ văn, hóa học, địa lý
C12: ngữ văn, sinh học, lịch sử
C13: ngữ văn, sinh học, địa lý
C14: ngữ văn, toán, giáo dục công dân
C15: ngữ văn, toán, khoa học xã hội
C16: ngữ văn, vật lí, giáo dục công dân
C17: ngữ văn, hóa học, giáo dục công dân
C19: ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân
C20: ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân
III. CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TUYỂN SINH CÁC NGÀNH KHỐI C VÀ ĐIỂM CHUẨN
Ngành học | Trường đào tạo | Điểm chuẩn (2018) |
1. Sư phạm xã hội | – Đại học Sư phạm Hà Nội
– Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên – Đại học Sư phạm – Đại học Huế – Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng – Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh,… |
17 – 24 |
2. Luật | – Học viện tòa án
– Đại học thủ đô Hà Nội – Đại học kiểm sát Hà Nội – Đại học Luật Hà Nội – Đại học Quảng Bình – Đại học Quy Nhơn – Đại học Sài Gòn – Đại học Cần Thơ – Đại học Luật TPHCM,… |
18 – 29,85 |
3. Chính trị học | – Học viện báo chí và tuyên truyền
– Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội – Đại học Sư phạm Hà Nội – Đại học Vinh – Đại học Hà Tĩnh – Đại học Cần Thơ – Đại học Thủ Dầu Một,… |
14-23 |
4. Tâm lý học | – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội
– Đại học Sư phạm Hà Nội – Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia TPHCM – Đại học Sư phạm TPHCM – Đại học Sài Gòn,… |
15-23 |
5. Công tác xã hội | – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội
– Học viện báo chí – tuyên truyền – Đại học Hải Phòng – Đại học Sư phạm TPHCM – Học viện cán bộ TPHCM – Đại học Hùng Vương |
16 – 24 |
6. Báo chí truyền thông | – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội
– Đại học văn hóa Hà Nội – Học viện báo chí – tuyên truyền – Đại học Vinh – Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng,… |
14 – 17,75 |
7. Quản lý nhà nước | – Học viện báo chí – tuyên truyền
– Học viện cán bộ TPHCM – Đại học nội vụ – Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng – Đại học Vinh – Đại học Quy Nhơn,… |
14 – 22 |
8. Triết học | – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội
– Học viện báo chí – tuyên truyền – Đại học Sư phạm Hà Nội – Đại học Khoa học – Đại học Huế – Đại học An Giang – Đại học Cần Thơ |
16 – 19 |
9. Du lịch | – Đại học thủ đô Hà Nội
– Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội – Học viện báo chí – tuyên truyền – Đại học Hà Tĩnh – Đại học Nha Trang – Đại học Cần Thơ – Đại học Hùng Vương |
13 – 30,42 (thông thường những tổ hợp có môn ngoại ngữ sẽ được nhân theo hệ số). |
10. Quản lý văn hóa | – Đại học Hạ Long
– Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương – Đại học văn hóa Hà Nội – Đại học Nội vụ – Đại học Vinh – Đại học Đồng Tháp,… |
14 – 19 |
IV. NGÀNH NÀO KHỐI C DỄ XIN VIỆC?
1. Báo chí
– Thông tin – giao tiếp là nhu cầu cơ bản và quan trọng nhất của con người. Trong thời đại hội nhập như hiện nay, những người nắm chắc được nhiều thông rất có ưu thế trong cuộc sống. Đơn giản nhất việc dễ dàng hòa nhập với xã hội, lớn lao hơn là dễ dàng thành công trong các lĩnh vực do ứng dụng những kiến thức, hiểu biết của mình.
– Vậy những thông tin đó được lấy ở đâu? Phần đa là qua truyền thông đại chúng trên sách báo, phát thanh, truyền hình, Internet,… Thông tin ngày càng được cập nhật nhanh chóng thu hút sự quan tâm, theo dõi rất lớn từ phía công chúng. Các cơ quan báo chí không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Do đó, chỉ cần nắm vững và biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng một cách thành thạo thì cơ hội làm việc trong ngành báo chí luôn rộng mở đối với bạn.
2. Du lịch
– Việt Nam có rất nhiều những danh lam thắng cảnh, các nét văn hóa đặc sắc thu hút khách du lịch gần xa. Hàng năm lượng khách du lịch đến Việt Nam không ngừng tăng lên. Du lịch góp phần quảng bá văn hóa đặc sắc của các tỉnh thành, đất nước và con người Việt Nam. Ngành du lịch không những đem đến nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước mà còn mang lại một khoảng thu nhập lớn cho những người trong nghề. Hiện nay, du lịch đã trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn của nước ta và nhân lực trong ngành này chưa bao giờ là đủ
– Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành du lịch ở các trường cao đẳng, đại học nếu có bằng cấp, kinh nghiệm và ngoại ngữ rất dễ xin vào làm ở các trung tâm, tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch. Không những thế, sinh viên có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng mà mình rèn luyện được để tự thành lập các trung tâm du lịch của riêng mình.
3. Luật
– Từ trước đến nay phần lớn hoạt động của con người đều gắn với các giấy tờ, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp, sự cạnh tranh trong mọi lĩnh vực vẫn không ngừng tăng lên. Vì vậy, ngành luật ngày càng phát triển và được coi trọng. Nó đóng vai trò duy trì hoạt động ổn định của đất nước, điều hòa các mối quan hệ xã hội, đảm bảo xã hội được công bằng, văn minh. Cử nhân ngành Luật sau khi ra trường hoàn toàn có thể tự tin rằng cơ hội tìm kiếm việc làm luôn rộng mở chỉ cần nắm vững và thành thạo các kiến thức và kĩ năng hoạt động trong ngành.
Có bạn nào cũng học khối C không, lập nhóm năm sau thi khối C đi ạ